Trở thành sứ quân Đỗ_Cảnh_Thạc

Chiếm cứ địa bàn rộng lớn thuộc vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng và miền núi, Đỗ Cảnh Thạc lập hành cung gồm 72 trại sở, tu tạo thuyền chiến, tích trữ lương thảo, binh sĩ ngày đêm luyện tập.[7]

Những ghi chép tại di tích quốc gia đặc biệt đình So ở Quốc Oai, gần căn cứ Đỗ Động Giang cho biết khi có loạn 12 sứ quân, ba anh em họ Cao đã theo giúp Đinh Bộ Lĩnh, một người làm Chỉ huy sứ, một làm Đô úy, và một làm Hiệu úy, tất cả đều là tướng được giao nhiệm vụ cầm quân đi đánh dẹp sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, Họ chém được chánh tướng Đỗ Thanh Long, giải thoát cho Đinh Bộ Lĩnh. Cũng gần căn cứ Đỗ Động, thần tích đình Mai, huyện Thanh Oai cho biết Hà Khôi đại vương là người địa phương, không theo Đỗ Cảnh Thạc mà về giúp Đinh Bộ Lĩnh để đánh dẹp căn cứ Đỗ Động.

Truyền thuyết ở khu vực chùa Bối Am, thuộc phạm vi căn cứ Đỗ Động Giang xưa cho biết: Trước kia có một toán quân của Lã Đường tự Lã Tá Công, một trong Thập nhị sứ quân, tấn công căn cứ Đỗ Động bất thành, bị vây hãm trong hang núi và bị chết đói hết cả.[8] Là một thế lực mạnh trong 12 Sứ quân, Đỗ Cảnh Thạc nhiều lần đẩy lùi cuộc tấn công của các Sứ quân khác, đặc biệt là Sứ quân Lã Đường.[9]

Theo thần tích đền Ba Dân ở xã Tân Sơn, Kim Bảng, Hà Nam[10], khi Đinh Bộ Lĩnh phát động quân lính tiến hành dẹp loạn 12 sứ quân, sứ quân Đinh Nga đã đem quân sĩ về hội cùng. Khi Đinh Bộ Lĩnh đem quân đi đánh Đỗ Cảnh Thạc đóng ở Thanh Oai (Hà Tây) đã bị Đỗ Cảnh Thạc đem quân vậy chặt. Trong lúc nguy cấp ấy, Đinh Nga đã đem quân đến giải vây và thừa thắng tấn công tiêu diệt Đỗ Cảnh Thạc tại Đỗ Động Giang, góp công lớn giải nguy cho Đinh Bộ Lĩnh.

Theo thần tích thôn Yên Khoái, xã Ninh Phúc, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình thì cha con Đinh Bộ Lĩnh suýt nữa thất trận khi trong một trận đánh lớn, bị quân của Đỗ Cảnh Thạc bao vây, ngoài công chúa Liên Hoa, góp sức giải vây cho Đinh Bộ Lĩnh còn có cánh quân của hai tướng Cao Lịch, Cao Khiển ở Hoa Lư.[11]

Sách Hải Dương cảnh trí, phần liệt truyện Trần Ứng Long (được người Việt sau này coi là ông tổ nghề làm thuyền nan) đã phát minh ra thứ thuyền nan nhẹ nhàng và tiện lợi để vượt sông thời đó. Khi sứ quân Đỗ Cảnh Thạc bị quân của Đinh Bộ Lĩnh đuổi gấp phải chạy trốn qua sông Nhuệ, tới bên kia bờ sông rồi liền ra lệnh phá hủy tất cả cầu, bè và các phương tiện vượt sông. Tướng Trần Ứng Long nghĩ ra cách cho lính mượn thúng, rổ và đốn tre để đan thứ thuyền nan rồi lấy nhựa bôi vào thân thuyền. Nhờ đó ông đưa được quân lính qua sông giao chiến với Đỗ Cảnh Thạc, trận ấy quân Hoa Lư thắng lợi.

Sứ quân Đỗ Cảnh Thạc là một sứ quân mạnh, có cung thành chắc chắn và hào sâu bao quanh. Theo thần phả Độc nhĩ đại vương ở Thanh Oai,[12] Đỗ Cảnh Thạc là người trí dũng mưu lược, Đinh Bộ Lĩnh phải bàn mưu tính kế mà đánh. Ban đêm, Đinh Bộ Lĩnh cho quân bao vây 4 mặt thành và tiến đánh bất ngờ vào Trại Quyền. Bấy giờ Đỗ Cảnh Thạc đang ở đồn Bảo Đà, quân tướng không ứng cứu được nhau, bị mất cả thành luỹ, đồn trại, lương thực bèn bỏ thành chạy. Hai bên giao tranh hơn một năm sau, Đinh Bộ Lĩnh hạ được thành. Đỗ Cảnh Thạc tháo chạy và bị trúng tên chết ở chân núi Sài Sơn. Đó là năm 967. Năm sau, Đinh Bộ Lĩnh dẹp hết các sứ quân lên làm hoàng đế, tức là vua Đinh Tiên Hoàng.

Có ý kiến lại cho rằng Đỗ Cảnh Thạc bị chết trên đường tháo chạy về Trung Quốc tại núi Đồng Lĩnh thuộc Lạng Sơn ngày nay.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đỗ_Cảnh_Thạc http://360.hncity.org/spip.php?article372 http://www.sinhcafe.travel/?sinhcafe=cat&cID=274&C... http://thachthat.hanoi.gov.vn/le-hoi/-/news/SVzLSt... http://bachkhoatoanthu.vass.gov.vn/noidung/tudien/... http://www.reds.vn/index.php/lich-su/vinh-quang-da... http://nguoivienxu.vietnamnet.vn/truyenthongvaduon... http://www.vusta.vn/Temps/Home/template2/?nid=1B99 https://trithucvn.net/van-hoa/vi-tuong-mot-tai-pho... https://ngotoc.vn/Nghien-cuu-Trao-doi/Do-Canh-Thac...